Cho dù TPP có được thông qua hay không, Việt Nam cũng phải cố mà chữa những căn bệnh cố hữu của mình. Nếu không, nguy cơ về những lời nguyền của kẻ chiến thắng tương tự sẽ đến từ những hiệp định khác.
Ngày 8-10-2015, chỉ vài ngày sau khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc thành công, hãng tin Bloomberg đăng bài “Kẻ thắng lợi lớn nhất từ hiệp định thương mại TPP có lẽ là Việt Nam” (“The biggest winner from TPP trade deal may be Vietnam”).
Trong bài này, tác giả John Boudreau nhắc đến những thuận lợi của ngành dệt may và thủy sản Việt Nam sau khi rào cản thuế quan của những thị trường lớn như Mỹ và Nhật được dỡ bỏ, đồng thời lạc quan về việc dòng vốn FDI và đầu tư nói chung vào Việt Nam, cũng như những vấn đề mà ngành nông nghiệp phải đối mặt.
Chiến thắng của ai?
Tuy nhiên, nhìn kỹ vào nội tại nền kinh tế, không rõ đây là chiến thắng của ai. Lấy ngành dệt may làm ví dụ. Ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành được mong chờ sẽ được hưởng lợi lớn từ TPP. Nhưng theo ước tính từ Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Dệt may, doanh nghiệp FDI kiểm soát 60-70% thị trường xuất khẩu trong ngành này, tùy theo nguồn số liệu và thời gian thống kê. Hiện tại đã như vậy mà nhiều doanh nghiệp FDI ngành dệt may ở nước khác còn xem xét chuyển sang Việt Nam. Vậy thì doanh nghiệp nội sẽ còn chiếm bao nhiêu phần trăm trong miếng bánh to lên sau TPP (giả sử nó được thực hiện)?
Ở một khía cạnh khác, mở cửa thị trường thông qua dỡ bỏ hàng rào thuế quan không có nghĩa là hàng Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu được nhiều hơn. Người tiêu dùng nước ngoài có một nhu cầu nhất định với mỗi chủng loại hàng hóa. Lấy thị trường gạo làm ví dụ. Không phải vì mình xuất khẩu gạo giá rẻ hơn người ta thì có thể bán được hàng. Cách đây vài tháng, trên các kênh thông tin đại chúng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo than “giá rẻ vẫn khó bán”. Đó là vì thị trường thế giới chuyển hướng nhập khẩu các loại gạo cao cấp, đặc sản, còn chúng ta lại bán gạo thấp cấp. Hơn nữa, nhiều thị trường tiêu thụ khoai tây, lúa mì là chính. Gạo không phải sản phẩm thiết yếu của họ, nên không phải cứ giá rẻ là họ mua nhiều.
Với những doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin, thiếu quan hệ với đối tác nước ngoài, không am hiểu tập quán, luật lệ làm ăn ở nước ngoài, thì rào cản thuế quan bỏ đi rồi vẫn còn nhiều rào cản khác khó vượt qua. Nói cách khác, với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, bỏ rào cản thuế quan là chưa đủ vì họ còn vật lộn với nhiều rào cản khác về vốn, công nghệ và hiểu biết thị trường. Ngược lại, với những tập đoàn nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật, Singapore, bỏ rào cản thuế quan đã đủ để họ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Mà thật ra chưa bỏ thuế quan thì doanh nghiệp nước ngoài cũng chiếm ưu thế rồi.
Chúng ta hãy thử hình dung một tập đoàn ẩm thực Singapore sau TPP vào cạnh tranh mặt hàng bán mì với những tiệm mì nhỏ ở Việt Nam thì sẽ thấy rõ diện mạo của bức tranh cạnh tranh này. Ai thắng ai thì chưa biết trước nhưng coi bộ tiệm mì nhỏ của Việt Nam sẽ chỉ có lo quanh quẩn bảo vệ thị phần ở nhà cũng đủ mệt rồi chứ nói gì đi qua giành bán mì ở nước người ta.
Nếu Việt Nam thắng trong trận thương thảo TPP nhưng thua trong cả cuộc chiến cạnh tranh với các nước TPP, thì đây có thể là một loại lời nguyền của kẻ chiến thắng (winner’s curse), hiện tượng mà người muốn thắng đã phải trả giá quá cao để đạt cho được thứ mình muốn.
Tình hình này khiến người viết nhớ tới một bài trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi tháng 5-2015, đại ý là nói về chuyện giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước sau TPP. Tác giả bàn về chuyện TPP sẽ thúc đẩy sự ra đời của những công cụ đại loại là cho phép nhà đầu tư nước ngoài kiện chính phủ nước sở tại. Khi đó thì các công ty giàu tiềm lực tài chính và nhân lực sẽ hưởng lợi vì họ có tiền, có quan hệ, quen đòi hỏi và kiện tụng, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước đang phát triển thì không hy vọng gì ở những công cụ xa lạ đó. Việc một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nằm trong tốp đầu niêm yết ở Mỹ với doanh thu vài chục tỉ đô la Mỹ sẽ dễ kiện Chính phủ Việt Nam hơn là một doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đầu tư vài trăm ngàn đô la Mỹ sang Mỹ đi kiện Chính phủ Mỹ.
Tự do hay... quản lý thương mại và đầu tư?
Ở một góc nhìn khác, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, thẳng thắn cho rằng TPP không phải là hiệp định thương mại tự do, mà là hiệp định để quản lý quan hệ thương mại và đầu tư của các nước với Mỹ. Quan điểm này phù hợp với những quan điểm khác, trong đó có quan điểm của Paul Krugman, một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel khác. Nhìn chung, các quan điểm này chỉ ra rằng những điều khoản về thương mại và đầu tư nhấn mạnh về quyền sở hữu trí tuệ và không phân biệt đối xử về đầu tư sẽ mang lại lợi thế bảo vệ cho những ngành công nghiệp của Mỹ, chẳng hạn như thuốc Tây. Kết quả là dỡ bỏ rào cản thuế quan không đồng nghĩa với giá thuốc ở các nước đang phát triển sẽ rẻ đi. Mà với người lao động Mỹ, tiền thuốc có cao ở nước ngoài thì nó cũng không chảy vào túi họ.
Nói cách khác, có thể TPP là một công cụ làm giàu cho những tập đoàn lớn ở nước phát triển lẫn đang phát triển, nhưng các doanh nghiệp nhỏ, người làm ăn nhỏ, như người bán bánh mì ở Việt Nam và người bán kem dạo ở Mỹ, sẽ không hưởng lợi gì cả. Ngược lại, cuộc sống của họ có thể còn khó khăn hơn.
Nói cách khác, có thể TPP là một công cụ làm giàu cho những tập đoàn lớn ở nước phát triển lẫn đang phát triển, nhưng các doanh nghiệp nhỏ, người làm ăn nhỏ, như người bán bánh mì ở Việt Nam và người bán kem dạo ở Mỹ, sẽ không hưởng lợi gì cả. Ngược lại, cuộc sống của họ có thể còn khó khăn hơn.
Khi đó, không chừng đối với Việt Nam, chúng ta thắng một trận đánh thương thảo TPP nhưng thua cả một cuộc chiến về cạnh tranh với các nước trong khối TPP. Đây có thể là một loại lời nguyền của kẻ chiến thắng (winner’s curse), hiện tượng mà người muốn thắng đã phải trả giá quá cao để đạt cho được thứ mình muốn.
Để thắng cả cuộc chiến cạnh tranh sau thắng trận đàm phán
Để tránh rơi vào tình trạng đó, Việt Nam phải đảm bảo được người dân buôn bán nhỏ, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể hưởng lợi từ TPP. Điều đó có nghĩa là môi trường kinh doanh của chúng ta phải cải thiện nhanh hơn các nước trong và ngoài khối tham gia TPP để người nông dân Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng hóa của tập đoàn nông nghiệp nước ngoài, bà bán bánh mì Việt Nam có thể cạnh tranh với món ăn nhanh nước ngoài, chứ không chỉ vài ba tập đoàn lớn của Việt Nam có thể tăng xuất khẩu còn lại phần lớn doanh nghiệp nội địa sẽ dần bị nhóm doanh nghiệp FDI chiếm hết thị phần.
Căn bản ở đây là làm sao khi miếng bánh lợi ích kinh tế sau TPP lớn lên, người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam chia được thêm phần nhiều, chứ không phải là phần nhỏ nhất. Muốn được như vậy, hãy bắt đầu bằng việc thôi không nhũng nhiễu người kinh doanh nhỏ và bỏ đi tầng tầng lớp lớp những văn bản chồng chéo, quy định, thuế phí, đang đè nặng lên người kinh doanh nhỏ, vốn không có nhiều tiếng nói trong việc góp ý chính sách.
Không phân biệt đối xử với nhà đầu tư thật ra đơn giản là không bắt nạt nhà đầu tư nhỏ trong nước và không ưu đãi quá mức trong quan hệ với nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Điều này liên quan tới các bệnh sính hàng ngoại, nghiện vốn ngoại mấy năm qua của Việt Nam. Không biết ta có sửa được không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét