Toàn văn 30 chương của hiệp định TPP

Văn bản gồm 30 chương vừa được Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan phụ trách TPP của 11 nước còn lại công bố chiều nay, đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc. Văn bản gồm đầy đủ thông tin chi tiết về các cam kết và các điều khoản áp dụng với tất cả các nước thành viên.
Một trong những điểm được quan tâm nhất trong văn bản này là điều khoản áp dụng. Theo đó, TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi tất cả các thành viên thông báo đã hoàn tất trình tự thông qua về mặt pháp lý trong nước. Trong điều kiện một số điều khoản hoặc toàn bộ hiệp định không được một hoặc một số nước thành viên thông qua, TPP vẫn có hiệu lực nếu có ít nhất 6 trên 12 thành viên, chiếm tối thiểu 85% GDP toàn khối chấp nhận.
Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP
(tiếng Anh)
Chương 0Lời tựa
Chương 1Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung
Chương 2Thương mại hàng hóa
Chương 3Quy tắc xuất xứ
Chương 4Dệt may
Chương 5Hải quan và thuận lợi hóa thương mại
Chương 6Phòng vệ thương mại
Chương 7Vệ sinh và kiểm dịch động thực vật
Chương 8Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)
Chương 9Đầu tư
Chương 10Thương mại dịch vụ qua biên giới
Chương 11Dịch vụ tài chính
Chương 12Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh
Chương 13Viễn thông
Chương 14Thương mại điện tử
Chương 15Mua sắm chính phủ
Chương 16Chính sách cạnh tranh
Chương 17Doanh nghiệp Nhà nước và hoạt đông độc quyền
Chương 18Quyền sở hữu trí tuệ
Chương 19Lao động
Chương 20Môi trường
Chương 21Hợp tác và Nâng cao năng lực
Chương 22Cạnh tranh và Tạo thuận lợi kinh doanh
Chương 23Phát triển
Chương 24Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chương 25Gắn kết môi trường chính sách
Chương 26Minh bạch hóa và Chống tham nhũng
Chương 27Các điều khoản về hành chính và thể chế
Chương 28Giải quyết tranh chấp
Chương 29Ngoại lệ
Chương 30Các điều khoản cuối cùng
Với Việt Nam, biểu thuế tại Hiệp định cho thấy thuế xuất - nhập khẩu với nhiều mặt hàng sẽ được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực như hàng dệt may, giày dép, cá ngừ, thịt động vật thuần chủng...
Tương quan kinh tế 12 nước trong TPP

Ngược lại, lộ trình dỡ bỏ thuế quan dài nhất sẽ lên kéo dài 16 năm, thuộc về những hàng hóa như dầu thô, trứng... Một số mặt hàng khác lại có lộ trình giảm thuế quan từng nấc theo năm, ví dụ như khoai tây (hiện có mức thuế 24%, giảm về 12% trong năm thứ 2, 6% vào năm thứ 3 và miễn thuế trong năm thứ 4)...
Trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết đây là văn bản được các bên thống nhất sau khi hoàn tất đàm phán ngày 5/10 tại Atlanta (Mỹ). Tuy vậy, các chi tiết trong hiệp định vẫn trong quá trình rà soát pháp lý tại các nước và có thể thay đổi. Riêng văn bản tiếng Việt đã được Bộ Công Thương chuẩn bị và sẽ sớm được công bố.
Ngoài các nội dung cam kết trong hiệp định, trong quá trình đàm phán các nước TPP cũng đạt được một số thỏa thuận song phương. Các thỏa thuận này sẽ được các bên ký kết công bố riêng, có hiệu lực cùng thời điểm với TPP.
Sau khi công bố toàn văn hiệp định, mỗi nước sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức.
"Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016", Bộ Công Thương cho biết. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Trao đổi tại cuộc họp báo tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết dự kiến mất 1,5-2 năm để hiệp định được thông qua.
Nguồn: vnexpress

Đoàn Việt Nam lên đường tham dự lễ ký kết chính thức hiệp định TPP

Đại diện Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng sẽ tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand ngày 4/2 tới. 

Trả lời câu hỏi của VnExpress tại họp báo Chính phủ chiều 29/1 về công tác chuẩn bị ký kết TPP, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho hay văn bản cuối cùng của hiệp định mà các bên thống nhất ký ngày 4/2 tới sẽ không có nhiều thay đổi so với công bố trước đó.

“Nội dung hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi”, ông Hải nói.

Vị này cũng cho hay, sau khi báo cáo Chính phủ và được Bộ Chính trị đồng ý, sáng 30/1, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng dẫn đầu sẽ tới Australia và New Zealand với chương trình công tác nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn sẽ tham dự lễ ký kết chính thức hiệp định vào ngày 4/2.

Phát biểu tại họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho rằng một trong những thành tựu lớn nhất trong kinh tế đối ngoại năm qua của Việt Nam chính là tham gia nhiều hiệp định kinh tế mà TPP là đáng chú ý nhất.

Nội dung hiệp định vẫn giữ được những lợi ích cho các đối tượng tham gia, trong đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi


Trước đó, hiệp định này chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 5/10/2015 và được xem là FTA thế kỷ, lớn nhất trong vòng 20 năm qua. TPP có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Các nước cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyên khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường. Hiệp định cũng được xem là bước quan trong việc tiến gần tới mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo: Vnexpress

TPP: Cuộc chơi sòng phẳng

Tối 5/10 (giờ Việt Nam), “chuyến xe lịch sử” TPP đã dừng bánh tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ), mở ra những cơ hội lớn không chỉ về kinh tế cho các nước tham gia trong đó có Việt Nam.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói trên Vietnamnet, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác với tất cả các hiệp định khác ở chỗ không có lộ trình. Với cam kết về gỡ bỏ hàng rào thuế quan thì 90% là sẽ phải thực hiện ngay.
Ông Thành cho rằng đây là một thách thức không hề nhỏ bởi “nhiều DN Việt Nam, thậm chí lãnh đạo còn chưa hiểu sâu về cuộc chơi hội nhập này”. TPP bắt buộc các nước dù trình độ phát triển khác nhau, thể chế khác nhau, đều phải chấp nhận luật chung sòng phẳng.
Cùng chung nhận định, báo Tuổi trẻ dẫn lời PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM) đánh giá các nội dung trong đàm phán TPP tiến một bước xa hơn là xóa bỏ các hàng rào kinh tế, đó là tấn công vào tất cả các quy định, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Ông Nghĩa cho rằng, uy lực của TPP tiến xa hơn tự do thương mại bởi các nước tham gia phải tuân thủ những chuẩn mực chất lượng cao của các nước phát triển.
TS Nghĩa cho biết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có điều khoản nâng đỡ, hỗ trợ gia nhập từ từ cho các nước kém phát triển như VN, nhưng trong TPP các điều khoản phải tiến hành song phương, không có điều khoản nào áp dụng cho những nước nhỏ. Quy định này khiến luật chơi trong TPP trở nên khắc nghiệt hơn.

Lợi ích "khổng lồ"
Tuy vậy, về cơ bản, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định về lợi ích “khổng lồ” mà TPP mang lại cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không có TPP và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5%.
Một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết Việt Nam có thể có thêm 64 tỉ USD, có tốc độ tăng trưởng 13% nhờ quy mô xuất khẩu sẽ tăng 37% trong TPP hơn là so với việc giữ nguyên các cam kết thương mại như hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trả lời báo chí cho biết lợi thế lớn nhất từ TPP là Việt Nam đã tham gia vào thị trường rộng lớn, trong đó Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Nhật Bản, Canada hay Australia đều là những quốc gia có nhiều tiềm năng. “Về ngắn hạn, chúng ta sẽ có thị trường”, ông Thành nói.
Không chỉ là thị trường
Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Adam Sitkof cho hay, TPP hoàn tất là “điểm đáng mừng” cho các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam nói chung và nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng nói riêng.
Ông Adam Sitkof đánh giá TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, trả lời phỏng vấn của báo chí sáng 5/10 cho biết, về cơ bản TPP là nhóm lớn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada… sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu, nên Việt Nam sẽ có thị trường lớn hơn.
Tuy nhiên, 10 năm “đeo đuổi” tham gia đàn phán TPP không chỉ dừng lại ở việc đem tới một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM, trao đổi với tờ The Saigon Times cho biết “rất hài lòng và phấn khích khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công”.
Ông này cho biết, dựa trên các mô hình kinh tế, Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP bởi kỳ vọng là các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có cùng chung nhận định, cho rằng khi Việt Nam gia nhập TPP, cấu trúc xã hội sẽ thay đổi nhanh, mạnh.
Có ngành sẽ vì thế mà tăng trưởng nhanh, mạnh. Có ngành chịu ảnh hưởng rõ nét như ngành chăn nuôi bởi kém về lợi thế so sánh. Tuy nhiên, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra. Trong ngắn hạn, ông Thành cho biết ngành được mở rộng nhất theo tính toán là những ngành Việt Nam vốn đang có lợi thế như dệt may, da giày, thủy sản.
Hơn nữa, TPP xuất hiện, kỳ vọng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng nhanh. Như vậy, ngành công nghiệp, xây dựng hoặc tư vấn cũng sẽ có sự tăng trưởng. Về lâu dài, nếu theo được những đòi hỏi của TPP, chúng ta cũng tự nâng cao được tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, liên quan đến thể chế, TPP sẽ tạo áp lực cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn bị coi là trì trệ, nhiều yếu kém phải thay đổi và phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Mọi sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp đối với DNNN đều phải theo quy định trong TPP.
Công Minh (tổng hợp)

Hiệp định TPP: Việt Nam cam kết những gì về lộ trình giảm thuế?

Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm. Các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Đây là thông tin Bộ Tài chính cho biết khi phân tích những điểm đáng chú ý về các dòng thuế sẽ giảm hoặc xóa bỏ cũng như việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính khi thực hiện cam kết TPP.

Bộ Tài chính cho biết, các nước TPP cam kết mở cửa khá cao dành cho Việt Nam, xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan... Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cam kết với các nước thành viên TPP về thuế nhập khẩu; thuế xuất khẩu; dịch vụ tài chính và hải quan.


Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Những mặt hàng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: Động vật sống, thức ăn gia súc, một số sản phẩm sữa, ngũ cốc, gạo, da và sản phẩm da, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo, dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, khoáng sản, một số loại giấy, nguyên liệu dệt may, da giầy, vải bông các loại, sản phẩm dệt may, phân bón, nước hoa, mỹ phẩm, máy móc thiết bị, đồ nội thất, gỗ và sản phẩm gỗ, nhạc cụ, sản phẩm sắt thép, linh kiện điện tử…

Những nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4 gồm: Bánh kẹo, chè và cà phê, ngô ngọt, đồng hồ, hàng gia dụng, máy khâu, máy phát điện, đồ trang sức, vật liệu xây dựng, sữa, máy móc thiết bị, nhựa và sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử…

Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 6 gồm: Dầu thực vật, chế phẩm rau quả, một số sản phẩm cao su..

Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 8 gồm: Bộ phận linh kiện xe đạp xe máy, một số linh kiện ô tô,  bánh kẹo, chế phẩm thủy sản, dầu mỡ động thực vật, rau quả, sắt thép, xe đạp nguyên chiếc, một số loại xe chuyên dụng…

Nhóm có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 10-11 gồm: Thịt các loại, bia rượu, đường, trứng, muối, xăng dầu, ô tô, sắt thép, một số loại linh kiện phụ tùng ô tô, phôi thép, săm lốp…

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Về dịch vụ tài chính, các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Các nội dung cam kết về dịch vụ tài chính gồm: Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa (dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ);  tăng cường minh bạch hoá; bảo hộ đầu tư (cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả); cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định thận trọng.

Hiện nay các thành viên TPP đang hoàn tất công tác rà soát kỹ thuật và các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho ký kết chính thức dự kiến vào đầu năm 2016.

Huy Thắng - Chinhphu.vn

TPP mở cửa lĩnh vực tài chính, thúc đẩy đầu tư nước ngoài

Các cam kết trong lĩnh vực tài chính khi tham gia Hiệp định TPP như bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam.

“Chỉ tiến không lùi”
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại, hàng hóa, mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính.
Các nước tham gia TPP phải cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc .
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cam kết đối với dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm.
Các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó là áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư. Và thứ ba là đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, Hiệp định TPP sẽ mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa.
So với WTO, ở Hiệp định TPP, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: Mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.
Về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài, theo cam kết, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh đó, TPP ràng buộc nghĩa vụ các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ.
Theo đó, nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu.
Bên cạnh đó, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày.

Tăng trách nhiệm kiểm tra sau về chứng nhận xuất xứ
Trong hoạt động tài chính, cam kết trong lĩnh vực hải quan được kỳ vọng cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng về phía cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường đảm bảo công tác phòng chống gian lận.
Chương cam kết về hải quan bao gồm 12 điều, trong đó quy định các cam kết về nghiệp vụ chính như: Quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 giờ đồng hồ; quy định về cơ chế ban hành xác định trước đối với các lĩnh vực mã số, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa;
Quy định cụ thể về thời gian giải phóng hàng hóa trong vòng 48 giờ đồng hồ khi hàng hóa nhập cảnh hải quan và có cơ chế cho phép thông tin được xử lý bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến nhằm nhanh chóng giải phóng hàng; quy định quản lý rủi ro...
Riêng đối với quy định về trị giá tối thiểu vẫn thực hiện theo luật của quốc gia.
Một vấn đề mà Hiệp định TPP tác động lớn đến công tác quản lý hải quan là quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm.
Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Hiện nay trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đang tham gia thực hiện thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là một bước quan trọng chuẩn bị cho công tác triển khai sau này.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, thực tế cơ quan này khi đó đóng vai trò trọng tài giám sát cho “người chơi” là doanh nghiệp (DN), DN tự khai tự nhận. Do đó, quy định mới thông thoáng hơn cho DN, nhưng đặt ra yêu cầu khá nặng với cơ quan hải quan để thực hiện giám sát hiệu quả, chống gian lận.
Hiện tại, ngay cả khi cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận, vẫn có không ít những gian lận xuất xứ xảy ra, vì vậy, nếu có cơ chế tự chứng nhận, cơ quan hải quan giám sát sẽ nặng thêm.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, không phải DN nào cũng được tự chứng nhận, mà sẽ có quy định phân loại. Tùy loại  DN có đủ điều kiện chứng minh, có đủ tiêu chuẩn, mới được vào danh sách tự chứng nhận xuất xứ.
Nguồn: hoinhapkinhte.gov.vn