Theo ông, những điểm đáng chú ý đối với lĩnh vực TMĐT qua nội dung của Chương TMĐT trong TPP là gì?
Qua nghiên cứu bước đầu những nội dung trong chương này (tiếng Anh), tôi thấy rất cô đọng và có nhiều cam kết, quy định mới. Nhưng chính vì sự cô đọng, ngắn gọn đó nên có những vấn đề cần chờ những giải thích và hướng dẫn triển khai chi tiết của các cơ quan có chức năng của Việt Nam trong thời gian tới đây thì mới có thể có những đánh giá sâu được.
Tuy nhiên, cũng có những nội dung đã có thể hiểu được phần nào. Đơn cử về phần thuế (Điều 14.3), TPP quy định không bên nào được áp thuế, phí đối với truyền điện tử (bao gồm cả nội dung truyền điện tử, như tải phần mềm xuống).
Theo tôi đây là nội dung mới, và chủ yếu Mỹ sẽ được lợi vì các phần mềm, bản quyền nhạc số… hầu hết đều từ Mỹ và khi bán vào các thị trường như Việt Nam sẽ không bị tính thuế.
Trong khi phần mềm trên các kho ứng dụng cho điện thoại thông minh hay nhạc số rất phổ biến hiện nay và nhiều phần mềm, ứng dụng người dùng muốn sử dụng được phải mua, nhưng Việt Nam không quản lý được nên coi là không có. Và ngay cả khi nếu chúng ta có tính đến thu thuế thì tới đây theo quy định của TPP, mình cũng không thu được.
Trong lĩnh vực TMĐT, TPP khuyến khích các bên cần nỗ lực để tránh gánh nặng không cần thiết và thông qua việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý để mang lại lợi ích cho các bên liên quan. Cụ thể ở Việt Nam, theo ông cần tập trung vào những vấn đề gì?
Tôi thấy rằng các quy định và vận hành TMĐT ở Việt Nam hiện nay khá ổn. Tuy nhiên, hiện các DN TMĐT đang chịu cảnh “một cổ, hai tròng” bởi có nhiều đơn vị thanh, kiểm tra quá. Cục TMĐT có thể thanh kiểm tra, Cục Quản lý thị trường có thể thanh kiểm tra. Để tạo thuận lợi hơn, theo tôi nên quy về một mối, đồng thời nên hạn chế thanh kiểm tra.
Hơn nữa, để thúc đẩy TMĐT, nên nghiên cứu có những khuyến khích như ưu đãi thuế cho các DN TMĐT cũng như hoạt động giao dịch TMĐT nói chung. Bởi, chính TPP cũng khuyến khích các bên nỗ lực làm việc với nhau để hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN nhỏ vượt qua những trở ngại trong sử dụng TMĐT.
Thực tế, có nhiều DN hoạt động bán hàng, dịch vụ trên mạng không đúng với quảng cáo về chất lượng, dịch vụ… Để hạn chế những hiện tượng như vậy cần làm gì?
Theo tôi, khách hàng nên mua hàng qua những trang web của các DN TMĐT có uy tín. Đồng thời, nên chọn mua những sản phẩm, dịch vụ của những DN, thương hiệu đã có tên tuổi. Song song với đó, nên và cần sử dụng các phương pháp thanh toán an toàn như Cash on delivery (giao hàng - trả tiền) hay thanh toán trực tuyến thì sử dụng thanh toán tạm giữ…
Như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, các trang TMĐT luôn có những mục dành cho đánh giá của khách hàng, người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà một đơn vị cung cấp. Khách hàng nên lấy đó làm căn cứ tham khảo tốt trước khi quyết định mua hoặc sử dụng các dịch vụ đó.
Vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề giải quyết tranh chấp TMĐT theo quy định của TPP?
Điều 14.18 trong Chương TMĐT của TPP về giải quyết tranh chấp cho biết, trong vòng 2 năm sau khi TPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân theo quy định giải quyết tranh chấp như trong Chương 28 (Giải quyết tranh chấp) của TPP, tức là trong thời gian 2 năm này, Việt Nam vẫn được áp dụng các quy định hiện tại của mình liên quan đến giải quyết tranh chấp trong TMĐT.
Điều này có lợi cho Việt Nam vì chúng ta sẽ có thêm thời gian để xây dựng các chính sách, giải pháp phù hợp liên quan đến xử lý tranh chấp sau khi TPP có hiệu lực.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét