TPP và nỗi lo lao động ngành nông nghiệp

(Sàn thương mại điện tử b2b NOCNDEAL) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở cho Việt Nam thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ kỹ năng lao động... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn...

Cảnh báo dư thừa lao động nông nghiệp 

Hiện Việt Nam có khoảng 46% lao động đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, trong đó chỉ khoảng 250.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã. Còn lại khoảng 23 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, đó là kinh tế hộ gia đình hoặc các công việc không ổn định khác. Bên cạnh niềm vui TPP được thông qua, là góc khuất về số phận của những lao động phi chính thức này. Tham gia vào TPP, doanh nghiệp Việt nếu cạnh tranh được sẽ lớn mạnh lên, ngược lại một số khác có thể bị thay thế bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); hàng nhập khẩu của các nước phát triển có tính cạnh tranh cao hơn hàng sản xuất trong nước, sẽ làm cho nông dân mất việc làm. “Hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ, New Zealand sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất cao với ngành chăn nuôi, bởi các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung là có tiêu chuẩn thấp hơn các nước thành viên TPP. Do đó nếu dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước thì sẽ vi phạm điều khoản chống phân biệt đối xử đã ký kết trong TPP”, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phân tích.

Tại một số cuộc hội thảo bàn về nông nghiệp Việt trước thách thức và vận hội từ TPP mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức cả ở nông nghiệp và thành thị hiện đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Nếu quá chú trọng vào phát triển những ngành công nghệ cao (thường là thâm dụng vốn) sẽ đẩy nền kinh tế nước ta vào tình trạng lưỡng phân: Một khu vực cạnh tranh được, có năng suất lao động cao, thu nhập tăng và một khu vực bị đẩy vào những thị trường phi chính thức không có năng lực cạnh tranh, thu nhập ngày càng giảm. Điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, tăng nguy cơ bất ổn xã hội như dự báo của một số nghiên cứu gần đây.

Ở góc nhìn khác, sự thay đổi về phương thức sản xuất ở trong nước khi đã thích ứng với môi trường cạnh tranh từ bên ngoài buộc phải chuyển sang sản xuất lớn, quy mô công nghiệp, nhưng sản xuất lớn với quy mô công nghiệp sẽ làm cho nhu cầu lao động giảm xuống. “Đơn cử, nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, thì có thể cần một nghìn người, thậm chí cả vạn người để tham gia sản xuất chăn nuôi. Nhưng nếu đầu tư trang trại quy mô chuẩn, thì chỉ cần vài trăm người là có thể sản xuất quy mô lớn. Như vậy, số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dư thừa lớn” - ông Lê Văn Bảnh cảnh báo.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Cần hình thành các cụm liên kết ngành

Trước thực tế này, các chuyên gia nhận định, để lao động nông nghiệp Việt Nam không bị “lao đao” khi hội nhập, cần phải nhanh chóng hình thành nên các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và từ đó tạo lập nên các mối liên kết với các doanh nghiệp nhỏ làm các nhà cung ứng đầu vào, cung ứng các dịch vụ đầu ra, liên kết với các tổ chức cung ứng dịch vụ cần thiết như kỹ thuật, lao động, tư vấn… để hình thành nên các cụm liên kết ngành. Sức mạnh cạnh tranh mang tính toàn cụm và do các doanh nghiệp dẫn đầu kiểm soát. Việc làm sẽ được tối đa hóa nếu hình thành được các cụm liên kết ngành.

Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết đang đặt ngành nông nghiệp trước yêu cầu phải gấp rút tái cơ cấu. Thế nhưng, làm thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu và làm thế nào để hộ nông dân cá thể hội nhập thành công hiện vẫn là bài toán khó. Về điều này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng thừa nhận, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức, bởi năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Một khi phương thức sản xuất manh mún, lạc hậu, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu thì rất khó đáp ứng quy tắc xuất xứ nên hàng hóa khó được các nước yêu cầu tiêu chuẩn cao chấp nhận. Điều này kéo theo việc tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ trở nên khó khăn.

Với hơn 90 triệu dân, trong đó hơn 70% dân số sống ở nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng là hỗ trợ cho đại đa số người dân. Thế nhưng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng không thể rập khuôn theo cách làm của thế giới, mà phải dựa trên đặc điểm riêng của Việt Nam. Việt Nam có điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển nông nghiệp, song đất đai lại manh mún, doanh nghiệp nhỏ lẻ, lao động tuy dồi dào nhưng trình độ thấp...

Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải theo hướng vừa tận dụng được lợi thế tài nguyên, lao động, vừa liên kết được với nông dân, vừa giải quyết được lao động dư thừa... Đây là những vấn đề cần tính đến khi hiện đại hóa nông nghiệp khi gia nhập TPP. 

NGUYỄN THANH
Lao động và Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét