'Nói chăn nuôi thua khi vào TPP là biện hộ cho trì trệ'

ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để ngành chăn nuôi sống tốt trong sân chơi TPP cần đổi mới phương thức sản xuất.
Chuyên gia này cho rằng, thị trường nào cũng có khó khăn và cạnh tranh, nếu cứ nói thua khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là biện hộ cho sự trì trệ, không chấp nhận đổi mới.
- Chăn nuôi là ngành lớn thứ 2 của nông nghiệp Việt Nam. Theo ông, vì sao đây lại là ngành chịu nhiều tác động tiêu cực nhất khi TPP thực thi?
- Thứ nhất, dễ nhận thấy là năng suất vật nuôi của Việt Nam nhiều năm nay và đến giờ vẫn thấp. Thứ hai, chúng ta phải cạnh tranh với thịt của Mỹ, Nhật, Úc, Canada, những cường quốc chăn nuôi không chỉ lớn về lượng của thế giới, mà chất cũng luôn được họ đặt lên hàng đầu.
Sản phẩm chăn nuôi của các nước tiên tiến này vốn được khẳng định về vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất lại cao nên giá thành cạnh tranh, giá bán luôn rẻ hơn ta.
Trong cuộc chiến này, nếu chúng ta không tổ chức lại sản xuất để đưa năng suất cao lên, giảm giá thành xuống. Đặc biệt là cứ để hộ chăn nuôi sử dụng các chất cấm, dùng kháng sinh vô tội vạ, không kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, thì tất cả các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta từ lớn đến nhỏ sẽ bị tổn thương hết.
- Có ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi chấp nhận hy sinh để nhiều ngành nghề khác được hưởng lợi khi Việt Nam gia nhập TPP. Ông bình luận thế nào về quan điểm này?
- Quan điểm như thế, theo tôi là sai hoàn toàn. Mỗi ngành có một đặc thù, một lợi thế, tại sao chăn nuôi phải hy sinh. Tại sao Thái Lan, điều kiện như ta họ lại xuất khẩu được thịt sang Nhật Bản, là một thị trường rất khó tính. Lượng xuất của họ không phải nhỏ. Riêng thịt gà đã tới 4,5 tỷ USD một năm, thì Việt Nam sao không làm được?
Tôi nói chúng ta sẽ làm được, và phải làm được. Còn cách làm, theo tôi, đầu tiên là đổi mới ngay tư duy sản xuất, đổi mới về công nghệ, thiết bị, và cả cơ chế, chính sách, cách tổ chức sản xuất. Ai quan niệm hy sinh là không chịu thay đổi, là chấp nhận thua cuộc, chấp nhận sự trì trệ.
- Theo ông, những sản phẩm nào sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Việt Nam, và những thị trường nào đáng e ngại nhất?
- Nếu không thay đổi phương thức sản xuất thì sản phẩm nào mình cũng thua, và thị trường nào cũng trở thành đáng ngại hết; thịt, trứng của nước nào cũng đe dọa được hàng Việt. Mà ngại tức anh không bán, không xuất khẩu được, ngại tức anh không làm được.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam yếu thế, tất nhiên ai cũng thấy, nhưng không có nghĩa mình ngại, mình buông bỏ thị trường. Phải lao vào cạnh tranh chứ, không lúc nào muộn hết.
Hiện nay chúng ta đã có những điển hình nuôi 1,6 kg thức ăn cho gà đạt 1 kg thịt hơi; hay có hộ nuôi được với giá thành 1 USD đạt một cân thịt gà công nghiệp (gà trắng hơi). Như thế thì còn thua gì nữa nếu mình tổ chức sản xuất tốt. Làm được như vậy thì chúng ta hoàn toàn không thua ai hết, kể cả bò Úc hay gà, heo của Mỹ.
'Nói chăn nuôi thua khi vào TPP là biện hộ cho trì trệ'
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Quốc Khánh, từng chia sẻ, ngành chăn nuôi sẽ có 10 năm để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh TPP, với tình hình hiện nay, chúng ta có làm kịp không?
- Hoàn toàn kịp nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ. Hỗ trợ ở đây không phải là về tiền, mà là cơ chế, chính sách, tín dụng. Thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lớn, quy mô trang trại hàng triệu con gà, hàng trăm nghìn con lợn thịt, nái, thì sẽ cạnh tranh được.
Chúng ta đã đầu tư hạ tầng tốt cho công nghiệp, tại sao không công bằng như thế với chăn nuôi. Tôi muốn nói, Nhà nước phải đổi mới tư duy đầu tư nông nghiệp, không phải là cho doanh nghiệp tiền, mà hãy tạo thuận lợi cho họ sản xuất, và hỗ trợ họ xúc tiến thương mại, thị trường...
Còn doanh nghiệp bắt buộc phải cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất của mình. Đặc biệt là tăng cường công tác quản trị, để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Những điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự mình vươn lên, đừng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những điều này Nhà nước không cầm tay chỉ việc cho doanh nghiệp được.
- Nhưng với tình hình hiện nay, dường như ngành chăn nuôi vẫn chưa đủ sức hút các doanh nghiệp lớn đầu tư?
- Đủ sức hay không là tùy vào trình độ của mỗi doanh nghiệp. Ví dụ: Hoàng Anh Gia Lai họ đã bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư vào bò thịt, bò sữa. TH họ cũng đầu tư hàng nghìn con bò sữa đấy. Có ai nghĩ ở Nghệ An nuôi được bò sữa, vậy mà họ làm được và làm tốt. Bò sữa ở đây có con đạt đến 45 lít sữa mỗi ngày rồi. Như vậy, không có lý gì chúng ta cho rằng ngành chăn nuôi không có lực hút.
-Theo ông, chúng ta nên áp dụng mô hình chăn nuôi nào để có thể cạnh tranh hiệu quả với các cường quốc về chăn nuôi trong TPP?
- Liên kết sản xuất là cách hay, hoặc những mô hình lớn kiểu như các doanh nghiệp đang đầu tư bò sữa, khoán hộ cũng tốt. Doanh nghiệp có điều kiện thì nên chăn nuôi khép kín từ thức ăn, con giống đến tổ chức tiêu thụ… tùy điều kiện mỗi nơi.
Ngoài ra, phải chú trọng thị trường nội địa. Nhiều người nói tập trung vào gà đồi, lợn cắp nách, tôi thấy cũng đúng. Nhưng điều này chỉ hợp nội địa thôi. Các nước nhu cầu tiêu thụ họ không giống mình, nên đừng tham vọng mang những thứ này đi xuất khẩu.  
- Đối với những người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, theo ông họ cần phải làm gì để không bị đào thải?
- Họ làm được hay không cũng do giá thị trường quyết định nữa chứ. Nếu có lãi họ sẽ làm tốt thôi. Hộ nhỏ lẻ hãy hướng đến việc sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Nhưng điều ưu tiên hàng đầu là dù phục vụ cho thị trường nào thì phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đừng dùng kháng sinh, chất cấm nữa.
Với người chăn nuôi nhỏ lẻ, tôi càng thấy càng thuận lợi. Quy mô ít thì bà con đầu tư ít, theo sức của mình, và sẽ có thị trường ngách phù hợp. Nhiều năm nay, bà con cứ cậy mình nhỏ lẻ, nhà nước cũng "thương" họ nhỏ lẻ mà nương tay. Điều này đã tạo tiền lệ xấu, mà trước mắt là tình trạng tràn lan chất cấm, tràn lan thịt mất vệ sinh, mất an toàn.
Hộ nhỏ lẻ hãy tự giác từ việc nhỏ, đơn giản nhất. Ví dụ con gà chết thì đem chôn, chứ không phải mang vứt ra sông, ra hồ. Hộ nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ hãy ý thức làm tốt từ việc nhỏ nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Yếu, nhưng chúng ta đừng bi quan
Mọi thị trường đều có ngách riêng, nếu tổ chức sản xuất phù hợp. Tôi đảm bảo chúng ta không thể thua được khi cạnh tranh trong sân chơi TPP. Nhưng tôi nói thật, nếu cứ tổ chức sản xuất manh múm như hiện nay, để 80-85% thịt trên thị trường do nông hộ cung cấp, thì những vấn đề như an toàn thực phẩm là khó cải thiện. Tôi vẫn nói rằng, nếu không đổi mới tư duy sản xuất, không đổi mới về công tác phòng chống dịch, tăng năng suất lao động, thì chúng ta thua ngay trên sân nh.
Ông Lê Bá Lịch, nguyên Phó cục trưởng Cục Khuyến nông – Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT)
Chủ động ứng phó, nâng cao phòng vệ thương mại
Phát biểu tại hội nghị diễn ra ngày 6/11 về kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) cho biết, các nước có xu hướng quan tâm đến phòng vệ thương mại.
Những biện pháp này gồm có chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh thuế nhằm hạn chế tác động của hàng hóa nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.
Theo bà Hạnh, TPP đàm phán thành công sẽ giúp tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm đến 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu.
“Mặc dù Việt Nam đã có các quy định pháp luật khá hoàn chỉnh và đầy đủ về việc thực thi 3 Pháp lệnh Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ song doanh nghiệp chưa tận dụng được hết”, bà nói. Do đó, việc tìm hiểu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, theo bà Hạnh, là cần thiết.
Nguồn: http://news.zing.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét