TPP: Cuộc chơi sòng phẳng

Tối 5/10 (giờ Việt Nam), “chuyến xe lịch sử” TPP đã dừng bánh tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ), mở ra những cơ hội lớn không chỉ về kinh tế cho các nước tham gia trong đó có Việt Nam.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nói trên Vietnamnet, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khác với tất cả các hiệp định khác ở chỗ không có lộ trình. Với cam kết về gỡ bỏ hàng rào thuế quan thì 90% là sẽ phải thực hiện ngay.
Ông Thành cho rằng đây là một thách thức không hề nhỏ bởi “nhiều DN Việt Nam, thậm chí lãnh đạo còn chưa hiểu sâu về cuộc chơi hội nhập này”. TPP bắt buộc các nước dù trình độ phát triển khác nhau, thể chế khác nhau, đều phải chấp nhận luật chung sòng phẳng.
Cùng chung nhận định, báo Tuổi trẻ dẫn lời PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM) đánh giá các nội dung trong đàm phán TPP tiến một bước xa hơn là xóa bỏ các hàng rào kinh tế, đó là tấn công vào tất cả các quy định, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Ông Nghĩa cho rằng, uy lực của TPP tiến xa hơn tự do thương mại bởi các nước tham gia phải tuân thủ những chuẩn mực chất lượng cao của các nước phát triển.
TS Nghĩa cho biết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có điều khoản nâng đỡ, hỗ trợ gia nhập từ từ cho các nước kém phát triển như VN, nhưng trong TPP các điều khoản phải tiến hành song phương, không có điều khoản nào áp dụng cho những nước nhỏ. Quy định này khiến luật chơi trong TPP trở nên khắc nghiệt hơn.

Lợi ích "khổng lồ"
Tuy vậy, về cơ bản, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định về lợi ích “khổng lồ” mà TPP mang lại cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không có TPP và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5%.
Một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết Việt Nam có thể có thêm 64 tỉ USD, có tốc độ tăng trưởng 13% nhờ quy mô xuất khẩu sẽ tăng 37% trong TPP hơn là so với việc giữ nguyên các cam kết thương mại như hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trả lời báo chí cho biết lợi thế lớn nhất từ TPP là Việt Nam đã tham gia vào thị trường rộng lớn, trong đó Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Nhật Bản, Canada hay Australia đều là những quốc gia có nhiều tiềm năng. “Về ngắn hạn, chúng ta sẽ có thị trường”, ông Thành nói.
Không chỉ là thị trường
Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư quốc tế, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Adam Sitkof cho hay, TPP hoàn tất là “điểm đáng mừng” cho các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam nói chung và nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng nói riêng.
Ông Adam Sitkof đánh giá TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, trả lời phỏng vấn của báo chí sáng 5/10 cho biết, về cơ bản TPP là nhóm lớn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada… sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu, nên Việt Nam sẽ có thị trường lớn hơn.
Tuy nhiên, 10 năm “đeo đuổi” tham gia đàn phán TPP không chỉ dừng lại ở việc đem tới một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TPHCM, trao đổi với tờ The Saigon Times cho biết “rất hài lòng và phấn khích khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công”.
Ông này cho biết, dựa trên các mô hình kinh tế, Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP bởi kỳ vọng là các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để bảo đảm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) có cùng chung nhận định, cho rằng khi Việt Nam gia nhập TPP, cấu trúc xã hội sẽ thay đổi nhanh, mạnh.
Có ngành sẽ vì thế mà tăng trưởng nhanh, mạnh. Có ngành chịu ảnh hưởng rõ nét như ngành chăn nuôi bởi kém về lợi thế so sánh. Tuy nhiên, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra. Trong ngắn hạn, ông Thành cho biết ngành được mở rộng nhất theo tính toán là những ngành Việt Nam vốn đang có lợi thế như dệt may, da giày, thủy sản.
Hơn nữa, TPP xuất hiện, kỳ vọng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng nhanh. Như vậy, ngành công nghiệp, xây dựng hoặc tư vấn cũng sẽ có sự tăng trưởng. Về lâu dài, nếu theo được những đòi hỏi của TPP, chúng ta cũng tự nâng cao được tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, liên quan đến thể chế, TPP sẽ tạo áp lực cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn bị coi là trì trệ, nhiều yếu kém phải thay đổi và phải cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Mọi sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp đối với DNNN đều phải theo quy định trong TPP.
Công Minh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét