Lịch sử dạy rằng, một siêu cường không thể duy trì vai trò thống soái được lâu trừ khi đưa ra được một giải pháp tự đều chỉnh hoàn hảo và một thông điệp thích hợp cho toàn thế giới.
Các nước đã là siêu cường hoặc đang muốn phát triễn thành
siêu cường , trên cơ sở đó , đưa ra các bước điều chỉnh chiến lược , có thể dựa
vào sức mạnh tài chính hoặc sức mạnh quân sự. Kết cuộc của nó không là chiến
tranh nóng thì sẽ là chiến tranh lạnh.
Chiến tranh trong thế kỷ XXI đã có một sắc thái hoàn toàn mới.
Các cuộc chiến tranh ngày nay không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia mà có
cả mạng lưới các tác nhân nhà nước và phi nhà nước, bao gồm lính đánh thuê, các
công ty an ninh tư nhân, côn đồ… Toàn cầu hóa đã gây ra vô số vấn đề bằng cách
phá hoại chủ quyền của nhà nước. Toàn cầu hóa vốn được cho là khuyến khích
chính trị và hợp tác quốc tế cuối cùng lại tạo ra nhiều chia rẽ hơn.
Mary Kaldore - Giáo sư tại Trường Kinh tế London, là một
trong những học giả đã thừa nhận tác động của toàn cầu hóa đối với đặc điểm của
chiến tranh. Bà cho rằng, các cuộc chiến tranh mới khác với các cuộc chiến
tranh cũ bởi ai là người chiến đấu, những cuộc chiến tranh này diễn ra vì lý do
gì, được tài trợ như thế nào và diễn ra như thế nào.
Có thể thấy việc Điều chỉnh chiến lược trên trường quốc tế
đã diễn ra như sau:
Mỹ và mục tiêu:
Với mục tiêu duy trì vị thế siêu cường duy nhất, Mỹ tiếp tục
đẩy mạnh chiến lược quân sự, an ninh toàn cầu bằng việc tập hợp lực lượng, điều
chỉnh chiến lược với từng khu vực để khống chế, kìm hãm các thế lực thách thức
“ngôi vị số 1” của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Joe Biden
vừa phải thận trọng trong việc tìm cách cân bằng lợi ích của Mỹ trên thế giới,
vừa củng cố và tăng cường vị thế siêu cường, đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, đảm
bảo cho họ vẫn là quốc gia đặt ra “luật chơi” trong quan hệ quốc tế.
Trung Quốc và mục tiêu
Trung Quốc với sức mạnh được tăng lên sau nhiều năm phát triển,
đang mở rộng không gian chiến lược để khẳng định vị thế cường quốc khu vực và
quốc tế. Hiện nay, họ đang triển khai nhiều biện pháp, như: tăng thực lực quân
sự, chú trọng phát triển nhanh lực lượng hải quân để mở rộng hoạt động ra hướng
biển, gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Đông Á, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng với
Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tiến bước xa hơn, Trung Quốc đẩy mạnh thực thi
sáng kiến “Vành đai và con đường”, tham gia và thúc đẩy nhóm nền kinh tế mới nổi
(BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hướng tới xây dựng cơ chế hợp tác
lấy Trung Quốc là trọng tâm, động lực. Sự phát triển đó dẫn đến mâu thuẫn, căng
thẳng, cọ xát giữa Trung Quốc với Mỹ, diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới,
nhưng ở châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông theo hướng ngày càng
tăng.
Liên Minh Châu Âu và mục
tiêu
Còn đối với EU, đang hướng vào xử lý các vấn đề nổi cộm của
khối, như: Brexit, khủng hoảng nợ công, nhập cư, chống khủng bố, v.v. Vì vậy, sự
quan tâm và nguồn lực dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương có chiều hướng
giảm. Tuy nhiên, EU vẫn duy trì quan hệ với các đối tác ở các khu vực khác,
trong đó có ASEAN.
Nga và mục tiêu
Đối với Nga, Tổng thống V.I. Pu-tin đẩy mạnh các hoạt động
nhằm giành lại vị thế của mình tại các khu vực ảnh hưởng truyền thống và trên
quốc tế, nhất là trước sự kiềm tỏa của Mỹ và phương Tây, từ sau khi Nga sáp nhập
Crưm. Điển hình là, Nga tăng cường lực lượng, vũ khí, triển khai tấn công và
giành nhiều thắng lợi trong việc không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng
(IS) ở Xy-ri. Điều đó chứng tỏ, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Nga
vẫn là một cường quốc, có đủ lực để sẵn sàng bảo vệ lợi ích, đồng thời buộc Mỹ
và phương Tây phải tính tới vai trò của mình khi giải quyết những vấn đề trên
thế giới.
Sức mạnh tài chính đi
kèm với điều chỉnh chiến lược
Hệ thống đồng đô la
Trong những năm 1960s, Bộ trưởng Tài chính Pháp Valery Giscard
d'Estaing phàn nàn rằng sự thống trị của đồng USD tạo cho nước này một "đặc
quyền thái quá", nước Mỹ có thể vay mượn với giá rẻ từ phần còn lại của thế
giới và sống vượt hơn cả nguồn lực của mình. Từ đó, các đồng minh và đối thủ của
Mỹ thường than phiền tương tự. Tuy nhiên, đặc quyền lớn này cũng kéo theo gánh
nặng khổng lồ đối với sự cạnh tranh
thương mại và việc làm của Mỹ và ngày càng trở nên bất ổn khi tỷ trọng kinh tế
Mỹ trong tương quan toàn cầu ngày càng thu hẹp. Các thiết chế tài chính và các
tập đoàn doanh nghiệp lớn được hưởng lợi từ sự thống trị của đồng USD trong khi
những chi phí của nó lại do tầng lớp lao động gánh chịu. Vì vậy, việc duy trì
bá quyền đồng USD đe dọa gia tăng bất bình đẳng và phân cực chính trị trong nội
bộ nước Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhu cầu USD trên toàn cầu không có dấu
hiệu giảm. Dù vậy, Mỹ vẫn có thể mất quy chế phát hành đồng tiền dự trữ chủ đạo
trên thế giới theo một cách khác: Mỹ có thể tự nguyện từ bỏ bá quyền đồng USD
vì giá kinh tế và chính trị nội bộ đã trở nên quá cao.
Sau tất cả các cuộc thảo luận về “vũ khí hóa tài chính”, sở
dĩ các biện pháp trừng phạt được áp dụng chống lại Nga có hiệu quả, là bởi vì
liên minh quốc tế đã áp đặt chúng trên diện rộng, với các cam kết chắc chắn. Chẳng
hạn, việc phong tỏa nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ chỉ có tác dụng
nếu phần lớn hệ thống tài chính trên thế giới đồng ý với quyết định phong tỏa.
Vấn đề nằm ở liên minh, không phải ở khía cạnh tài chính. Vì liên minh chống
Nga gồm tất cả các thể chế tài chính lớn, chỉ trừ các ngân hàng Trung Quốc – và
vì các ngân hàng Trung Quốc cũng không muốn bị tách khỏi hệ thống đó – nên các
lệnh trừng phạt tài chính sẽ không dẫn đến bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong trật
tự tài chính hoặc tiền tệ của thế giới.
Các nền kinh tế cảm thấy bị đe dọa bởi Washington hiện đã có
động lực để chuyển dự trữ của họ ra khỏi các cơ sở tại Mỹ. Về mặt lý thuyết,
đây cũng là bài kiểm tra xem liệu Washington có đang lạm dụng quyền lực tài
chính hay không. Nếu Mỹ trừng phạt quá thường xuyên, nước này có thể thúc đẩy
các quốc gia khác tìm lựa chọn thay thế tốt hơn cho đồng đô la, và hệ thống
thanh toán xoay quanh nó. Về lâu dài, nền kinh tế thế giới bị chia rẽ dưới sự
đe dọa của các lệnh trừng phạt có thể đi theo xu hướng ấy. Nhưng trong khi điều
đó chưa diễn ra, nước Nga đang chứng minh cho chúng ta thấy rằng: việc đa dạng
hóa sang đồng euro, nhân dân tệ, và thậm chí vàng sẽ chẳng giúp ích gì cho các
quốc gia, nếu những người chơi khác trên thị trường vẫn sợ bị loại khỏi hệ thống
đồng đô la, bởi khi đó, sẽ chẳng còn ai khác để họ bán số dự trữ ngoại hối của
mình. Các loại tiền điện tử cũng sẽ phải quyết định xem liệu chúng có nên ủng hộ
làn sóng trừng phạt, và theo đó mất đi một số người dùng (những người coi tiền
điện tử như nơi trú ẩn an toàn), hay chúng sẽ tạo điều kiện cho các nỗ lực né
tránh trừng phạt, và trong trường hợp đó, chấp nhận khả năng bị các chính phủ cấm
hoặc loại trừ.
Hệ thống đồng nhân
dân tệ
Thời gian qua, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo Trung Quốc và
các cường quốc khác có thể quyết định từ bỏ đồng USD và đa dạng hóa dự trữ tiền
tệ vì những lý do kinh tế và chiến lược. Trong báo cáo vừa mới công bố, Bank of
China khuyến nghị các ngân hàng Trung Quốc cần sẵn sàng ứng phó với các biện
pháp cấm vận của Mỹ thông qua việc tăng cường sử dụng Hệ thống thanh toán liên
ngân hàng xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS) ở Trung Quốc Đại lục, Hồng
Công và Ma Cao thay vì hệ thống thanh toán bằng đồng USD SWIFT (Hiệp hội viễn
thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) đóng tại Bỉ. Việc sử dụng CIPS thay
cho SWIFT cũng giúp giảm mức độ tiết lộ thông số giao dịch thanh toán toàn cầu
của Trung Quốc cho phía Mỹ.
Báo cáo khuyến nghị trường hợp Mỹ dùng biện pháp cực đoan loại
Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, Trung Quốc có thể cân
nhắc chấm dứt sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền neo giữ cho hoạt động kiểm
soát ngoại hối; đồng thời cũng khuyến nghị Trung Quốc xây dựng đạo luật giống
như luật ngăn chặn trừng phạt Block Statute của Liên minh Châu Âu giúp bảo đảm
cho phép duy trì làm ăn kinh tế thương mại với Iran, nước đang phải chịu các lệnh
cấm vận của Mỹ.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ phải chật vật lắm mới trở
thành giải pháp thay thế chính cho đồng đô la, ngay cả với các nền kinh tế thuộc
khối của Bắc Kinh. Chừng nào Trung Quốc còn ngăn cản người dân tự do đưa tài sản
ra khỏi hệ thống tài chính trong nước của họ, các nhà đầu tư và thậm chí cả các
ngân hàng trung ương sử dụng đồng nhân dân tệ chỉ đơn giản là đang đánh đổi những
lời đe dọa trừng phạt bởi Washington bằng những lời đe dọa trừng phạt bởi Bắc
Kinh. Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép đồng nhân dân
tệ được tự do chuyển đổi, thay vì bị kiểm soát chặt chẽ. Nhưng nếu điều đó xảy
ra, giá trị của đồng nhân dân tệ có thể sẽ giảm mạnh suốt một thời gian dài,
như đã xảy ra trong hai năm 2015-2016, khi Trung Quốc tạm thời tự do hóa tài
khoản vốn của mình, vì hàng tỷ người giữ tiền tiết kiệm ở Trung Quốc đã tuyệt vọng
cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách chuyển tài sản của họ đi nơi
khác, để theo đuổi lợi nhuận cao hơn. Tất nhiên, nhân dân tệ vẫn có thể trở
thành đồng tiền dự trữ cho các nền kinh tế nhỏ nơi Trung Quốc thống trị và cho
các quốc gia bị bài xích – những nước thực ra không còn lựa chọn nào khác. Tuy
nhiên, hành động đó chẳng giúp được gì nhiều cho việc đa dạng hóa đầu tư, hoặc
tạo ra lợi nhuận cho các khoản tiết kiệm của Trung Quốc. Nó thậm chí còn có thể
phản tác dụng khi gắn hệ thống tài chính của Trung Quốc với sự bất ổn tài chính
của các quốc gia khác.
Hệ thống đồng tiền
chung châu Âu
Sự thống nhất mạnh mẽ hơn của EU cũng sẽ tạo ra những cơ hội
mới cho tăng trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hầu hết mọi
thành viên EU đã cam kết trong nhiều năm tới sẽ tăng chi tiêu quốc phòng, cũng
như tăng đầu tư công để giảm nhanh sự phụ thuộc của lục địa này vào nhiên liệu
hóa thạch của Nga. Cả hai khoản đầu tư này sẽ là bước đi dài hướng tới chấm dứt
việc châu Âu ‘hưởng ké’ Mỹ và Trung Quốc để tăng trưởng; tạo cho nền kinh tế
toàn cầu một động cơ khác để giúp cân bằng những thăng trầm của chu kỳ kinh
doanh, giúp thế giới ổn định trước những cuộc suy thoái. Chúng cũng sẽ ngăn các
nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn trong khối gia tăng nợ nước ngoài, như đã xảy
ra khi Đức và các nền kinh tế châu Âu có thặng dư ngân sách xuất khẩu sản phẩm
nhưng lại không tiêu dùng nhiều.
Điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì thay đổi về mặt tài
chính. Khi chia rẽ kinh tế càng trở nên sâu sắc bởi chia rẽ quyền lực cứng, các
chính phủ sẽ càng gắn hệ thống tài chính của họ với nhà bảo trợ quân sự chính của
họ. Tỷ giá hối đoái cố định có xu hướng theo sau các liên minh quân sự (như tôi
đã lập luận hồi năm 2008). Thế giới đã chứng kiến điều này ở khắp Châu Phi, Mỹ
Latinh, và Nam Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các chính phủ thay đổi đồng
tiền mục tiêu trong tỷ giá hối đoái cố định của mình sau khi quyết định liên kết
với Liên Xô hay Mỹ. Dù điều đó có nghĩa là, trên thực tế, sẽ có một số nước gia
nhập hoặc thoát khỏi khu vực đồng đô la, nhưng nó không tạo ra một loại tiền tệ
thay thế thực sự hấp dẫn.
Toàn cầu hóa toàn cảnh
Việc ngăn chặn sự xói mòn của toàn cầu hóa vốn đã khó, và
hành động xâm lược Ukraine của Nga khiến nó càng khó hơn. Trong lúc các chính
trị gia ở Mỹ và các nước khác còn đang thêu dệt những câu chuyện sai lệch rằng
mở cửa kinh tế có hại cho người lao động, thì cuộc xâm lược của Nga và các lệnh
trừng phạt đã đẩy Trung Quốc và Mỹ ra xa nhau hơn.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không phải là đã hết
cách. Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga rất hiệu quả, bởi vì chúng
được áp đặt bởi một liên minh mạnh mẽ gồm các nền dân chủ có thu nhập cao hơn.
Nếu Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Liên minh Châu Âu, và các nền kinh
tế thị trường quan trọng khác có thể vận dụng chính những nguồn lực mà họ đã sử
dụng để trừng phạt Nga vào việc giúp đỡ nền kinh tế, thì họ hoàn toàn có thể
ngăn chặn xói mòn – có thể bằng cách khuyến khích Trung Quốc tham gia kết nối.
Các nền dân chủ trên thế giới không thể đảo ngược mọi sự
chia rẽ gây xói mòn nền kinh tế toàn cầu xảy ra do hành động xâm lược của Nga
và sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc. Họ không nên muốn làm như vậy, bởi một số
hình thức bạo lực cần phải được đối phó bằng sự cô lập về kinh tế. Nhưng họ vẫn
có thể tìm cách bù đắp cho các tổn thất này và giúp hành tinh trở nên ổn định
hơn trong quá trình đó.
Trong ba tuần qua, nền kinh tế Nga đã phải liêu xiêu vì các
lệnh trừng phạt. Ngay sau khi Điện Kremlin xâm lược Ukraine, phương Tây bắt đầu
đóng băng tài sản của những cá nhân giàu có thân cận với Tổng thống Nga
Vladimir Putin, cấm các chuyến bay của Nga vào không phận phương Tây, và hạn chế
khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của nền kinh tế Nga. Đáng chú ý nhất, Mỹ
và các đồng minh đã phong tỏa tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, loại
nước này khỏi không chỉ hệ thống thanh toán tài chính SWIFT, mà còn cả các thể
chế cơ bản của tài chính quốc tế, bao gồm tất cả các ngân hàng nước ngoài và Quỹ
Tiền tệ Quốc tế. Kết quả là, giá trị của đồng rúp sụt giảm, tình trạng thiếu hụt
gia tăng khắp các bộ phận của nền kinh tế Nga, và chính phủ nước này dường như
sắp vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ. Dư luận – và nỗi sợ bị ảnh hưởng lây từ lệnh trừng
phạt– đã buộc các doanh nghiệp phương Tây ồ ạt rời Nga. Chẳng bao lâu nữa, Nga
sẽ không thể sản xuất các nhu yếu phẩm, cho quốc phòng lẫn tiêu dùng, vì nước
này thiếu các thành phần đầu vào thiết yếu.
Trong 20 năm qua, có hai xu hướng đã và đang làm xói mòn
toàn cầu hóa, trên hành trình được cho là không ngừng nghỉ của nó. Thứ nhất, những
người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đã dựng lên các rào cản đối với
thương mại tự do, đầu tư, nhập cư, và sự lan truyền các ý tưởng – đặc biệt là ở
Mỹ. Thứ hai, việc Bắc Kinh thách thức hệ thống kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ
và các thỏa thuận an ninh lâu đời ở châu Á đã khuyến khích phương Tây dựng lên
nhiều rào cản ngăn không cho kinh tế Trung Quốc hội nhập. Cuộc xâm lược của Nga
và các lệnh trừng phạt sau đó sẽ làm cho tình trạng xói mòn này thậm chí còn tồi
tệ hơn.
Cuối cùng, thiệt hại do các biện pháp trừng phạt lên nền
kinh tế Nga, và các chi phí đáng kể cho Trung Âu nếu bị Nga đáp trả bằng cách cắt
đứt quyền tiếp cận khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của nước này, có thể khiến các
chính phủ chuyển sang theo đuổi chính sách tự lực cánh sinh, và chủ động giảm kết
nối với nền kinh tế toàn cầu. Trớ trêu thay, đây là hành động tự chuốc lấy thất
bại. Chính sự xuống dốc nhanh chóng của nền kinh tế Nga hiện nay đã cho thấy
tình cảnh khó khăn của các quốc gia nếu không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh
tế, ngay cả khi họ đã cố gắng giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của mình. Ngoài
ra, những nỗ lực của Nga nhằm trở nên độc lập về kinh tế trên thực tế lại khiến
nước này có nhiều khả năng bị trừng phạt hơn, vì phương Tây không còn nhiều thứ
để mất nếu áp đặt các lệnh trừng phạt. Nhưng điều đó sẽ không ngăn được nhiều
chính phủ cố gắng rút lui về những góc riêng, tìm cách tự bảo vệ mình bằng cách
thoái lui khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên, từ nhiều năm qua, giới chuyên gia đã kêu gào về sự
chia tách này, và các quốc gia nhỏ hơn – những nước đang cố gắng tự cô lập mình
– sẽ không thể thành công. Nhưng giờ đây, có vẻ như nền kinh tế thế giới thực sự
sẽ chia thành hai khối – một khối xoay quanh Trung Quốc và khối còn lại xoay
quanh Mỹ, với phần lớn nhưng không phải toàn bộ Liên minh Châu Âu chọn đứng về
phía Mỹ – mỗi khối đều cố gắng tự tách mình ra khỏi khối bên kia và sau đó giảm
bớt ảnh hưởng của khối đó. Hậu quả kinh tế đối với thế giới sẽ vô cùng to lớn,
và các nhà hoạch định chính sách cần phải nhận ra và tìm cách bù đắp lại các xu
hướng đó càng nhiều càng tốt.
Sụp đổ nhanh Toàn cầu
hóa
Cuộc xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt sẽ không dẫn đến
những thay đổi tài chính lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng chúng sẽ đẩy
nhanh tốc độ xói mòn của toàn cầu hóa – vốn đang diễn ra – một quá trình sẽ có
những tác động rộng khắp. Giữa bối cảnh kết nối kinh tế lỏng lẻo hơn, thế giới
sẽ chứng kiến xu hướng tăng trưởng thấp hơn và đổi mới ít hơn. Các công ty và
ngành công nghiệp đang hiện diện trong nước sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc
yêu cầu các biện pháp bảo hộ đặc biệt. Nhìn chung, lợi nhuận thực tế từ đầu tư
của các hộ gia đình và các tập đoàn sẽ giảm xuống.
Để hiểu lý do tại sao lại như vậy, hãy xem xét điều có thể xảy
ra với chuỗi cung ứng. Hiện tại, hầu hết các công ty công nghiệp và nhà bán lẻ
đều có nguồn cung cấp của từng nguyên liệu đầu vào hoặc từng bước quan trọng
trong quy trình sản xuất đến từ một hoặc một số nơi riêng biệt nhất định. Có một
logic kinh tế mạnh mẽ dẫn đến việc thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách
này, với tương đối ít sự dư thừa: phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi
phí bằng cách khuyến khích các công ty và nhà máy chuyên môn hóa, nó còn giúp
tăng quy mô sản xuất và mang lại lợi thế về tiếp thị và thông tin địa phương.
Tuy nhiên, xét đến thực tế địa chính trị và tình hình đại dịch hiện nay, các
chuỗi cung ứng toàn cầu này có thể không còn đáng để các nước phải chịu rủi ro,
nếu chúng dựa vào các điểm nghẽn cụ thể, nhất là ở các quốc gia bất ổn chính trị
hoặc không đáng tin cậy. Các công ty đa quốc gia, với sự khuyến khích từ chính
phủ, sẽ bảo vệ bản thân bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng dự phòng ở những
địa điểm an toàn hơn. Giống như bất kỳ hình thức bảo hiểm nào khác, hành động
này bảo vệ công ty khỏi một số rủi ro bất lợi, nhưng nó là một loại chi phí trực
tiếp, không mang lại lợi nhuận kinh tế ngay lập tức.
Trong khi đó, nếu các công ty của Trung Quốc và Mỹ không còn
phải đối mặt với sự cạnh tranh lẫn nhau (hoặc cạnh tranh từ các công ty bên
ngoài khối kinh tế của chúng), nhiều khả năng chúng sẽ hoạt động kém hiệu quả
hơn, và người tiêu dùng sẽ chẳng còn nhận được các sản phẩm đa dạng và đáng tin
cậy nhiều như hiện tại. Khi người tiêu dùng là chính phủ, các doanh nghiệp được
bảo hộ trong nước thậm chí càng dễ rơi vào lãng phí và gian lận hơn, vì hợp đồng
chính phủ thường có ít cạnh tranh hơn. Chỉ cần thêm vào lý lẽ của chủ nghĩa dân
tộc, và nỗi sợ hãi về các mối đe dọa an ninh quốc gia, thế là các công ty như vậy
sẽ dễ dàng khoác lên tấm áo lòng yêu nước và tìm đến các ngân hàng, thừa biết rằng
chúng quá lớn để thất bại về mặt chính trị. Việc các nền kinh tế đóng cửa dễ xảy
ra tham nhũng hơn cũng là có lý do.
Các nhà phân tích đã có thể thấy điều này xuất hiện trong
các cam kết ‘yêu nước’ của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump
về sản xuất “thuê trong” (onshoring manufacturing) – tức tái định vị các chuỗi
cung ứng sản xuất hàng hóa của Mỹ, để chúng diễn ra ngay tại đất Mỹ. Họ đang sử
dụng an ninh quốc gia và niềm tự hào dân tộc để biện minh cho các chính sách
làm thiệt hại cho an ninh quốc phòng lẫn hơn 85% công nhân Mỹ không làm việc
trong ngành công nghiệp nặng. Việc tôn sùng sản xuất trong nước thay vì thúc đẩy
trao đổi dịch vụ và xây dựng mạng lưới thương mại xuyên biên giới là điều đặc
biệt trớ trêu, vì chính những lĩnh vực như dịch vụ mới mang lại lợi thế cho
phương Tây so với Nga trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp trừng phạt,
và cũng là điều đã ngăn cản các doanh nghiệp Trung Quốc cứu Nga.
Kết nối tài chính
Trong tương lai, Liên minh châu Âu hoặc khu vực đồng euro có
thể phát hành thêm trái phiếu chung châu Âu, và điều này sẽ giúp ích nhiều hơn
cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc xâm lược của Nga đã củng cố thực tế rằng chúng
ta đang sống trong một thế giới có lợi nhuận thấp, và nhiều nhà đầu tư đề cao sự
an toàn. Bằng cách tạo ra nhiều tài sản an toàn hơn cho họ, EU và khu vực đồng
euro có thể thu về nhiều khoản tiết kiệm tránh rủi ro, cải thiện sự ổn định tài
chính.
Đặc biệt, những sáng kiến này sẽ giúp ích cho chính khu vực
đồng euro. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng đồng euro
một thập niên trước là sự mất cân bằng giữa các nền kinh tế đồng euro do chính
sách thắt lưng buộc bụng của Đức. Nếu Đức tăng cầu nội địa, các thành viên Nam
Âu của khu vực đồng euro sẽ có thể xử lý một số khoản nợ của họ nhờ tăng xuất
khẩu, thay vì phải cắt giảm tiền lương và nhập khẩu để có khả năng trả nợ. Điều
này sẽ củng cố khả năng tồn tại lâu dài của đồng euro, cũng như tăng sức hấp dẫn
của nó đối với các thành viên mới, tiềm năng ở Đông Âu và các nhà quản lý tiền
dự trữ trên toàn thế giới. Một đồng euro ít phải chịu những căng thẳng và lo lắng
nội bộ cũng sẽ có giá trị cao hơn, ổn định hơn, do đó sẽ làm giảm căng thẳng
thương mại với Mỹ.
Sự thật
Thật không may, cuộc xâm lược của Nga lại không mang lại những
tác động tích cực đối với các nước đang phát triển. Việc tăng giá thực
phẩm và năng lượng đã và đang gây tổn hại cho công dân của các quốc gia nghèo
hơn, và tác động kinh tế của xói mòn toàn cầu hóa sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Nếu
các quốc gia có thu nhập thấp hơn buộc phải chọn phe khi quyết định nơi mà họ sẽ
nhận viện trợ và đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì cơ hội cho khu vực tư nhân của
họ sẽ càng thu hẹp. Các công ty ở các quốc gia này sẽ càng phụ thuộc nhiều hơn
vào những ‘người gác cổng’ chính phủ trong và ngoài nước. Trong
trường hợp Mỹ
cùng các quốc gia khác tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt, các tập
đoàn lớn sẽ ít khi đầu tư vào các nền kinh tế này. Các công ty đa quốc gia muốn
né tránh chỉ trích từ Mỹ, và vì vậy họ sẽ từ bỏ việc đầu tư vào những nơi mà họ
cho là không minh bạch.
Điều đáng buồn nhất là những hành động này xuất hiện ngay
sau phản ứng bất bình đẳng của thế giới đối với COVID-19, khi các quốc gia có
thu nhập cao đã không cung cấp đủ vắc xin và vật tư y tế cho các quốc gia đang
phát triển. Sự xem thường về mặt chính trị đối với phúc lợi của các nhóm dân cư
có thu nhập thấp trên toàn cầu đã làm thay đổi các điều kiện kinh tế trên thực
tế. Đến lượt mình, các thay đổi đó lại cung cấp một lý do khiến khu vực tư nhân
không đầu tư vào các nền kinh tế có thu nhập thấp ấy. Cách duy nhất để thoát khỏi
cái vòng luẩn quẩn này là thông qua đầu tư công và đối xử công bằng. Tuy nhiên,
sự chia rẽ giữa các nền kinh tế lớn nhiều khả năng làm cho những khoản đầu tư
kiểu này vào các nước đang phát triển là không đủ, không đáng tin cậy, và bị giải
ngân tùy tiện.
Nền tảng của tất cả những điều này là một sự thật không mong
muốn: để làm chậm quá trình tăng nhiệt độ toàn cầu, thế giới cần các hành động
quốc tế tập thể, với sự tham gia của cả Trung Quốc. Liên minh các nền dân chủ
không thể làm điều đó một mình. Chính phủ Trung Quốc và Mỹ thi thoảng vẫn đạt
được tiến bộ chung về các sáng kiến khí hậu, ngay cả khi họ đang xung đột về
các vấn đề khác, và cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Joe Biden đều thể
hiện mình muốn làm điều đó một lần nữa. Nhưng tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn
khi hai nước rút về với khối kinh tế riêng của mình. Trong khi đó, vì xói mòn
toàn cầu hóa làm giảm tốc độ đổi mới, do hạn chế hợp tác nghiên cứu, các nhà
khoa học cũng khó lòng tìm được một cỗ máy thần kỳ có thể cứu hành tinh.
Tham khảo:
1.- Adam Posen, “The End of Globalization?“, Foreign
Affairs, 17/03/2022.
2.- Mary Kaldore, “New and Old Wars: Organized Violence in a
Global Era”