Doanh nghiệp dệt may, giày da lo vì chưa hiểu sâu về TPP

Ngày 4-2-2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam (các nước này có tổng quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu). Mặc dù được đánh giá sẽ là cơ hội lớn, tuy nhiên cho đến thời điểm này, không ít DN dệt may, giày da rất lo lắng bởi chưa nắm bắt được các vấn đề cụ thể trong TPP.



Ngành giày da chủ yếu vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước không tham gia TPP.

CÒN “MÙ MỜ” VỀ TPP

Đây là câu trả lời của rất nhiều DN trong ngành may mặc, giày da khi hỏi về TPP. Họ cho rằng, mặc dù có nghe nói đến TPP nhiều nhưng lại không nắm bắt được các điều khoản cụ thể. Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Công ty May Bà Rịa (xã Tam Phước, huyện Long Điền) cho biết: “Chúng tôi có nghe nói nhiều đến TPP. Song thành thực mà nói, chúng tôi chưa hiểu TPP sẽ tác động cụ thể đến DN như thế nào”.

Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm, Công ty May Bà Rịa đang sản xuất giày leo núi và trượt tuyết, mỗi năm xuất khẩu đi các nước châu Âu hơn 15.000 sản phẩm. Hầu hết các nguyên phụ liệu sản xuất của Công ty May Bà Rịa đều phải nhập khẩu. “Thậm chí, nút nhựa chúng tôi còn phải nhập khẩu từ Trung Quốc”, bà Hạnh nói.

Nguyên liệu nhập khẩu là một trong những thách thức lớn cho ngành dệt may, da giày khi TPP được ký kết. Vì thực hiện quy tắc xuất xứ của TPP, quy định hàng dệt may, da giày của Việt Nam nhập nguyên liệu từ các nước không tham gia hiệp định thì hầu như sẽ không được hưởng các ưu đãi. Hiện Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Riêng tại BR-VT, tỉnh vẫn đang chủ trương hạn chế thu hút đầu tư các lĩnh vực nhuộm, sợi, da thuộc do hệ lụy về ô nhiễm, thâm hụt lao động… Điều này cũng làm cho vấn đề nguyên liệu cung cấp cho các ngành dệt may, da giày trở nên khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái (có 2 công ty đang hoạt động sản xuất về giày da, bóng golf và bóng da là Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt và Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu) cho biết, hiện tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu của Uy Việt chiếm khoảng 60%, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Trong khi đó, các nước này lại không tham gia TPP nên khó hưởng các ưu đãi từ Hiệp định này.

Ngành dệt may được hưởng nhiều ưu đãi từ TPP.

CẦN THÚC ĐẨY CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ MAY MẶC

Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, một trong những lợi ích quan trọng nhất mà TPP mang lại chính là các DN sẽ được tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nội khối. Nhưng để tham gia vào chuỗi giá trị, các sản phẩm, hàng hóa của DN phải đạt chuẩn quốc tế. Đáng tiếc là hiện nay, sản phẩm của DN trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Bùi Thị Dung cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới DN, Hiệp hội về các Hiệp định đã và đang ký kết, nhất là TPP. Đầu tháng 2-2016, Sở Công thương đã phối hợp các sở, ban ngành làm việc với đoàn nghiên cứu Đại học Canberra (Úc) và Hội doanh nghiệp Việt - Úc do Tiến sĩ Scott H. Murray dẫn đầu để thực hiện đề tài nghiên cứu “Tác động của chuỗi giá trị TPP đối với nền kinh tế của BR-VT”. Riêng đối với ngành dệt may, cuối năm 2015 Sở Công thương đã tiến hành khảo sát 32 DN trên địa bàn tỉnh, đánh giá mặt mạnh cũng như điểm yếu của các DN trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm đa dạng hóa mặt hàng dệt may, quan tâm nhiều hơn vấn đề xuất xứ nguyên liệu để bảo đảm đủ tiêu chuẩn hưởng chính sách ưu đãi từ TPP.

Theo Sở Công thương, trước mắt để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và nâng cao tính cạnh tranh cho các DN ngành dệt may, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Các KCN làm việc với chủ đầu tư KCN hình thành phân khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, đồng thời hỗ trợ tiền thuê mặt bằng nhà xưởng cho các DN thuộc lĩnh vực này, có cơ chế hỗ trợ (phù hợp với quy định chung) cho DN để có vốn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ… nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: LAM GIANG

Theo Bộ Công thương, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ của các mặt hàng dệt may từ Việt Nam giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30% mỗi năm; về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, có một số linh hoạt như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP. Đối với ngành da giày, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được đánh giá sẽ tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên. Đồng thời, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét